Tự cổ chí kim, không biết từ nào âm nhạc đã là một phần không thể thiếu trong văn hóa loài người chúng ta. Ai cũng đâu đó nghe 5-50 bài nhạc mỗi ngày tùy tâm trạng.
Tuy nhiên, bạn có bao giờ nghĩ rằng việc lựa chọn playlist (danh sách phát) ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của bạn không? Cảm xúc là bước đệm cho suy nghĩ, lời nói và hành động. Cảm xúc tiêu cực thì lời nói, hành động cũng sẽ tiêu cực.
Nếu trong vô thức, bạn chọn sai thể loại âm nhạc để nghe thì sẽ như thế nào? Kết quả có thể là bạn chỉ muốn ngồi nghe và không muốn làm gì cả, hoặc bạn nghe xong càng thêm chán trường.
Ở thái cực nào, cũng không tốt cho sức khỏe và hiệu suất làm việc của bạn. Từ lúc mình để ý hơn đến việc chọn nhạc để nghe thì mình không gặp phải 2 vấn đề trên nữa. Mình đã biết dùng cho mình, thay vì chịu ảnh hưởng của nó một cách bị động.
Bài viết này là về những thể loại nhạc mình chọn nghe để phục vụ cho mục đích cụ thể. Mỗi người sẽ có phân loại khác nhau, cho nên nội dung chỉ mang tính chất tham khảo.
1. Nhạc buồn than vãn, rên rỉ
Trong cuộc sống, có vài lúc mình cần những bài hát giúp mình cảm thấy được đồng cảm về những nỗi buồn, nỗi oan ức hoặc sự tan vỡ. Ngoài những dịp đó, mình không nghe những thể loại nhạc như thế này.
Thứ nhất là nó không dẫn đến đâu cả. Nghe nhạc chỉ phản ánh về những điều không tốt, những điều tiêu cực rồi lại không nhắn nhủ được thông điệp tích cực hoặc kêu gọi hành động nào.
Nếu bài nhạc được sáng tác vội, chạy theo thị trường mà lại thiếu chiều sâu nữa thì mình càng không muốn nghe.
Thứ hai là nó củng cố tâm lý đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác. Có những bài hát thì chỉ đi trách người yêu, trách đời, trách gia đình cho những thứ mình đang có.
Nghe nhiều quá thì trong đầu bạn vô tình hình thành những lời độc thoại nội tâm hoặc những thói quen suy nghĩ như vậy. Đến khi có chuyện xảy ra thì việc đầu tiên bạn làm là đổ lỗi chứ không phải giải quyết vấn đề.
2. Nhạc hồi phục
Nhạc hồi phục là nhạc mình nghe những lúc mệt mỏi sau giờ làm, những lúc thất bại, những lúc bệnh cần hồi phục. Đối với mình đó là những bài nhạc pop, EDM, đôi lúc là rap.
Những bài này có chủ đề về những điều không như ý trong cuộc sống. Tuy nhiên nó khác nhạc than vãn ở chỗ là nó kể câu chuyện theo một giai điệu tích cực, giai điệu của người mạnh mẽ vượt qua.
Lúc cần sự can đảm thì mình nghe Guts over fear của Eminem, cần thư giãn nhìn lại một sự kiện thì mình nghe I took a pill in Ibiza của Mike Posner chẳng hạn.
Với mình chúng đem lại một năng lượng hồi phục gần như ngay lập tức, còn bạn, nhạc nào khi bạn nghe giúp bạn cảm thấy hồi phục cảm xúc?
Trước đây, khi mình cần hồi phục thì mình nghe nhạc thị trường linh tinh, sau đó mình cảm thấy mệt hơn, hết cả năng lượng làm việc. Nghĩ lại, có những sai lầm nhỏ những lại đem đến hệ quả lớn mà mình lại chẳng nhận thức được.
3. Nhạc năng lượng cao
Là một người có sức bật lớn, mình cần một nguồn năng lượng cao tức thời để có hứng làm những công việc khó. Chỉ cần nghe những bản nhạc rap hơi "trẻ trâu", hoặc "bố đời" một chút là xong ngay, có lúc mình dùng cả rock.
Đơn giản hóa thì điểm chung của những bài nhạc này là nhịp nhanh, lyrics gắt. Mình hay nghĩ vui trong đầu là nhạc bật lên thì cương thi cũng phải bật dậy.
Nghệ sĩ mình nghe trong thể loại nhạc này có Rich Brian, Jake Hill, XXXTENTACION, Bon Jovi. Ngoài ra, mình còn có những playlist bí mật mà chỉ mình mới biết.
4. Nhạc tập trung
Khi cần làm việc dùng não nhiều thì mình chuyển sang nhạc không lời. Nhạc có lời tuy hay nhưng dễ gây sao nhãng cực.
Công việc nhiều não ở đây có thể là viết sách, chuẩn bị nội dung cho podcast, lập trình website hoặc đơn giản là tự nhìn nhận bản thân.
Thể loại nhạc mà mình cảm thấy dễ tập trung nhất là nhạc piano, low-fi jazz hoặc âm thanh thiên nhiên. Chọn loại nào là tùy thuộc vào môi trường xung quanh và năng lượng ngay lúc đó.
5. Thể loại nhạc khác
Làm việc gì mình có giai điệu phù hợp, mình cũng có playlist cho việc hẹn hò, ăn uống, thể thao bền, thể thao bùng nổ hoặc đơn giản là "chill".
Dù là dùng nhạc cho dịp nào, mình cẩn thận và chủ động trong việc chọn thứ nhạc mình nghe vào tai vì mình nhận ra nó ảnh hưởng đến tâm trí của mình như thế nào.
Đi sâu vào âm nhạc, bạn có thể phải cân nhắc đến yếu tố bass, treble, tempo để chọn ra được thể loại phù hợp nhất. Nhưng để đơn giản cho người mới bắt đầu thì bạn cứ nghe âm lượng tương đối với tai nghe tốt, nghe nhiều lần để cảm nhận là được.