Quản trị cảm xúc, hay còn gọi là kiểm soát cảm xúc là kỹ năng bạn đang muốn rèn luyện. Không phải chỉ bạn mà đó là ước mơ của nhiều người nhưng vấn đề là bắt đầu từ đâu, học bằng cách nào?
Bạn đã đọc nhiều bài viết, tuy nhiên, chúng chỉ tập trung vào kiến thức, công cụ nhưng không cho bạn được một định hướng, bức tranh tổng thế. Chia sẻ này sẽ cho bạn biết từ A-Z hành trình làm chủ cảm xúc thành công.
1. Học cách nhận thức cảm xúc
Vấn đề khiến bạn đến với bài viết này là những tình huống để cảm xúc chi phối. Khi chuyện đã xảy ra rồi thì bạn có thể nhìn lại được hành vi của mình, tuy nhiên, ngay tại thời điểm cần nhất thì bạn lại không thể nhận thức được.
Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng mình đúng, cho đến khi chúng ta nhận ra là mình sai. Do vậy, ở giai đoạn đầu tiên này bạn đừng vội học những kỹ thuật kiềm nén cảm xúc, hay điều chỉnh cảm xúc.
Thứ đầu tiên cần học đó là học cảm nhận. Không cảm nhận hay nhận thức được thì những bước sau không thể thực hiện được. Làm sao mà bạn có thể quản lý cảm xúc khi bạn không thể thấy được sự tồn tại của nó.
Nhận thức cảm xúc bằng cách nào, đọc nhiều có giúp không?
Câu trả lời là không. Khi một người đọc nhiều đạo lý hay kiến thức thì chỉ đang làm giàu phần trí nhớ của mình. Trong giây phút cảm xúc dâng trào, mình cá là bạn sẽ không thể nhớ được những điều đã được đọc hay được nghe.
Mặt khác, khi bạn nhận thức được cảm xúc, bạn sẽ tự biết ấn nút "dừng". Bạn sẽ không để mọi thứ đi quá xa.
Thay vào đó mình có 2 con đường để bạn học nhận thức cảm xúc:
a. Emotion Journaling

Emotional Journaling hay còn gọi là ghi chú cảm xúc là hành động viết xuống cảm xúc của mình tại một thời điểm. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta hoàn toàn không có thói quen này.
Mục tiêu của việc ghi chú cảm xúc là ghi tất cả những cảm xúc ở những giây phút hiện tại, càng chi tiết càng tốt. Tuy nhiên, bạn ghi một cách tự nhiên, không bắt ép phải ghi thật nhiều.
Bạn có thể thực hiện emotional journaling vào bất cứ lúc nào: cuối ngày, đầu ngày, nghỉ giải lao nhưng nên tránh lúc làm một lúc nhiều việc.
b. Thiền

Thiền giúp phát triển nhận thức nói chung, bao gồm cả nhận thức cảm xúc. Mình sẽ bài chia sẻ chuyên sâu về thiền nên sẽ không chia sẻ dài dòng ở đây.
Mục đích của thiền là giúp bạn tĩnh tâm để nhìn lại cảm xúc chính mình. Người thiền được thì hơi thở cũng điều hòa, cảm xúc cũng sẽ dễ phục hồi trạng thái cân bằng hơn người khác.
2. Học cách bày tỏ cảm xúc
Bạn đừng nóng vội. Chưa đến giai đoạn mà bạn có thể điều chỉnh, thay đổi cảm xúc của mình đâu. Khi nhận thức được, bạn chỉ mới biết nó là gì.
Trước khi học cách khó hãy làm tốt chuyện bày tỏ cảm xúc của mình. Mục tiêu là biết giao tiếp cảm xúc và biết "xả" cảm xúc ở đâu, như thế nào.
a. Giao tiếp cảm xúc
Muốn gọi tên cảm xúc đúng, muốn nói được với người khác mình đang cảm thấy như thế nào thì phải cần đúng từ vựng.
Đây là lúc mà học kiến thức cảm xúc, đọc sách về tâm lý sẽ có tác dụng. Khi bạn tìm hiểu về chủ đề cảm xúc, bạn sẽ hiểu hơn là cảm xúc bạn đang gặp là gì.
Chẳng hạn một người đàn ông thường chỉ có một cảm xúc là tức giận, nhưng nếu hiểu sâu thì tức giận chỉ là mặt nạ, cảm xúc thật đó là buồn. Có nhiều người đàn ông không thể phân biệt giận và buồn.
Sách nào để đọc thì là một câu chuyện dài. Mình không thể chia sẻ quá chi tiết trong bài viết này được. Ở đây, mình cho bạn thấy trước bức tranh tổng thể để không rối.
b. Giải tỏa cảm xúc đúng nơi, đúng chỗ
Chúng ta có thói xấu là hễ giận cá là hay đi chém thớt. Khi xả cảm xúc như vậy, bạn vô tình đã truyền năng lượng tiêu cực, ảnh hưởng mối quan hệ xung quanh.
Thay vì chọn những cách tiêu cực thì bạn nên chọn những cách phù hợp, lành mạnh hơn. Dưới đây là một số gợi ý về cách giải tỏa cảm xúc vô cùng hiệu quả.
Chơi thể thao
Đi ăn uống
Đi hóng mát
Đi du lịch
Nói chuyện với người đáng tin
Tìm đến chỗ dựa tâm linh
3. Học cách tự điều chỉnh cảm xúc

Giai đoạn này chỉ dành cho người đã học xong 2 giai đoạn trước. Thật ra, nếu bạn thực hiện được giai đoạn trước tốt thì coi như bạn đã quản lý, làm chủ cảm xúc tốt hơn hàng triệu người.
Có thể nói giai đoạn 3 này là giai đoạn nâng cao. Mục đích của giai đoạn này là chủ động hơn trong cảm xúc của mình, hướng đến cân bằng cảm xúc lâu dài.
Thứ mà bạn cần học chính trong giai đoạn này là hình thành những thói quen, luyện kỹ thuật điều chỉnh cảm xúc theo ý muốn.
Mình muốn chia sẻ bạn những kỹ thuật cụ thể ở một bài viết riêng chứ không phải là bài viết này. Tuy nhiên, mình vẫn sẽ đưa bạn một số ví dụ để dễ hình dung.
Thiền mỗi ngày
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Thiết lập thói quen tập thể dục
Đọc sách nuôi dưỡng sự thấu cảm
Thử thách bản thân bằng trải nghiệm
Sử dụng âm nhạc để điều khiển cảm xúc
Lập trình ngôn ngữ tư duy
Bước tiếp theo
Còn nhiều hơn nữa, nhưng bạn cũng đã hiểu bạn cần học những gì. Bạn có thể đọc thêm những bài trên Sapien để đi sâu vào những chủ đề nhỏ, hoặc liên hệ để được kết nối với tác giả để nhận tư vấn.