Đọc nhiều bài về hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp nhưng càng đọc thì bạn càng rối. Đây là một vấn đề phổ biến của học sinh, sinh viên và thậm chí người mới đi làm. Nguyên nhân cốt lõi nằm ở đâu?
Chỉ khi bạn hiểu được rõ được nguyên nhân cốt lõi thì mới tìm được lối ra. Nhờ trò chuyện với nhiều khách hàng từ sinh viên năm nhất đến người lớn mà mình "giác ngộ" ra một số sự thật phũ phàng. Mình sẽ chia sẻ thẳng thật với bạn, giúp bạn tỉnh ngộ.
Bạn đi săn hay là con mồi?

Là một người đi chọn nghề, ngỡ rằng bạn là thợ săn nhưng thực tế là con mồi của những chiến dịch quảng cáo. Tụ chung thì những chiến dịch này không quan trọng bạn, con của bạn phù hợp với nghề nào mà chủ yếu là lôi kéo được học viên về phía mình.
Chúng ta thì hay tự tin rằng mình đang quyết định nhưng không hề nhận thức được rằng người khác đang thao túng mình. Câu chuyện bắt đầu từ những người thân cận nhất.
Ngay ở lớp học, bạn đã được hướng theo những định hướng mà giáo viên, bạn bè xem là "cao cấp". Chẳng hạn như họ luôn đánh giá cao những ai thi để trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên. Ai giỏi thì cũng bảo "Thi Y đi!".
Lời nói này thoạt nghĩ là vô hại nhưng nó đã định hình vô thức của bạn. Dù cho bạn tìm thấy một nghề nghiệp phù hợp thì bạn cũng khó mà chấp nhận nó. Bạn sẽ cứ luẩn quẩn trong một vài nghề mà bạn đã được kể.
Chưa dừng lại ở đây. Mạng xã hội cũng góp một phần. Họ luôn cố tình tạo ra những bài báo giật tít như: "Ngành X hot ra trường làm lương 2000$!". Ngành nào cũng bảo hot, thì chọn ngành nào?
Càng đọc báo nhiều thì bạn càng hoang mang. Trong đầu bạn bắt đầu có cảm xúc sợ bỏ lỡ một điều gì đó. Để tỉnh táo, bạn nên chọn lọc thứ để đọc, loại bỏ những luồng thông tin gây sao nhãng.
Bước một, từ con mồi chuyển thành thợ săn.
Tính cách hay năng lực?

Bạn có bao giờ làm những bài test tính cách, sau đó nhận gợi ý nghề nghiệp chưa? Chắc hẳn là bạn đã nghe qua.
Bài trắc nghiệp nghề nghiệp này chia chúng ta thành những nhóm người như người nghiên cứu, người kỹ thuật, người nghệ thuật, hoặc người quản lý. Tuy nhiên, tính cách có phải tiêu chí đủ để bạn kết luận?
Chưa hẳn. Định hướng nghề nghiệp tương lai không đơn giản như mô hình trên giấy. Chẳng hạn, tính cách của bạn thuộc nhóm kỹ thuật nhưng năng lực của bạn nằm ở khả năng giao tiếp, đối nhân xử thế thì có thể bạn sẽ hợp đi với kinh doanh.
Tính cách chỉ đang nói về xu hướng hành vi. Xu hướng hành vi của bạn ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường, tâm trạng của bạn trong khoảng thời gian làm bài test nữa. Chúng có thể thay đổi.
Ngoài yếu tố năng lực thì còn nhiều yếu tố khác cũng cần được đưa vào phương trình tìm nghề. Yếu tố đó bao gồm điều kiện kinh tế gia đình, ước mơ hoài bão cá nhân hoặc cơ hội đang nắm trong tay.
Nhìn chung thì muốn chọn nghề thì phải có sự cân nhắc nhiều yếu tố kỹ càng, chứ không chỉ dựa vào tính cách. Bạn có thể tự cân nhắc hoặc nhận trợ giúp từ một người có khả năng lắng nghe, đưa ra góc nhìn. Bạn có thể liên hệ chính tác giả để nhận hẹn tư vấn nhé.
Vấn đề quan trọng hơn hướng nghiệp

Trừ phi bạn tính theo một nghề cả đời, một điều khá khó thực hiện trong thời thế đổi thay như bây giờ, thì bạn sẽ không chỉ làm một nghề.
Hơn nữa, nếu bạn chọn định hướng theo con đường kinh doanh, bạn sẽ trải qua khá nhiều nghề. Câu chuyện nghề nghiệp lúc đó không cứng nhắc như bạn nghĩ.
Một điều quan trọng hơn là chốt hạ cho mình một nghề làm tới già chính là phát triển bản thân mình. Khi bạn phát triển đúng thiên hướng, trau dồi kiến thức, mài dũa chuyên môn thì nghề sẽ tự đến với bạn.
Ngược lại, cho dù bạn có chọn nghề như nội lực của bạn không đủ thì bạn cũng phải từ bỏ giữa chừng. Nghề không phải muốn chọn là được, dân gian có câu: "nghề chọn người". Hiểu đúng ở đây là ai giỏi gì thì sẽ được trao nghề đó.
Người tập trung quá vào việc hướng nghiệp mà quên mất việc phát triển bản thân thì sẽ không đi đến đâu cả. Bạn cần làm cả hai, song song.
Định hướng nghề nghiệp chỉ là một hành động chọn phép thử của bạn. Có thể bạn thử đúng hoặc thử sai, nhưng cuối cùng bạn đều có bài học cho mình. Điều bạn đang làm chính là chọn phép thử đáng thử nhất, chứ không phải chốt hạ cả cuộc đời. Thả lỏng nhé!
Thế nên, cho dù bạn chọn nghề gì để theo đuổi tiếp theo thì vẫn cần có kế hoạch phát triển bản thân cho mình. 1 năm tới bạn sẽ học gì, 1 tháng tới bạn sẽ gặp ai, 1 tuần sau bạn sẽ ở đâu, ngày mai làm gì bạn đã có ý tưởng chưa?
Hành động đơn giản mà bạn có thể làm là gõ trên Google: "Cách lập kế hoạch phát triển bản thân". Bắt đầu nhỏ, từ từ nghề sẽ xuất hiện.