Đôi điều mình muốn làm rõ trước khi bạn đọc bài này. Một là mình sẽ dùng từ stoicism thay cho từ "khắc kỷ" vì khi dịch ra nó vô tình tạo ra một ý nghĩa khác với nghĩa gốc. Hai là bài này sẽ không cắt nghĩa stoicism mà chỉ chú trọng vài khía cạnh ứng dụng.
Stoicism là một khái niệm, hay trường phái thú vị, tuy nhiên, khó tìm được cách thực hành cụ thể. Chủ yếu, thực hành stocism thường là thiên về thói quen về tư duy là chính.
Hôm nay mình sẽ chia sẻ với bạn về "deliberate hardship", dịch ra là khổ cực có chủ đích. Cá nhân mình đã thực hành được hơn 6 năm.
Ai là người lạc quan hơn?
Bạn thử suy nghĩ xem là giữa hai anh em sinh đôi, một người sống sướng từ bé so với người đứa khổ từ bé nhưng sau này có được cuộc sống sướng hơn, thì ai sẽ lạc quan hơn?
Câu hỏi này không khó để trả lời. Chắc chắn người khổ trước sướng sau sẽ lạc quan hơn. Đó cũng là điều mình cũng chính mắt quan sát được trong cuộc sống.
Người ta nói, người sống trong nhung lụa mà bi quan, than khổ thì được gọi là "con nhà giàu dẫm gai mùng tơi". Không nhất thiết phải là con nhà giàu, con nhà bình thường cũng có thể giống như thế này.
Thế thì, với những người như bạn và mình, cũng có khổ nhưng chưa "đủ đô", thì làm sao để lạc quan hơn, mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
Nếu đời không cho chúng ta khổ, thì ta có thể tự tạo ra chúng để rèn luyện bản thân. Dĩ nhiên, chính tay ta tạo ra thì chúng tạo ra thì sẽ có kiểm soát, có liều lượng phù hợp. Bởi vậy kỹ thuật này mới được gọi là khổ cực "có chủ đích".
Lưu ý quan trọng là, tất cả bài tập bên dưới chỉ là ý tưởng, bạn phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì mình làm. Đồng thời, tất cả nên được thực hiện khi bạn ở tình trạng sức khỏe tốt nhất. Khi thực hiện, bạn nên tham vấn người có kinh nghiệm và kiến thức về vấn đề này.
Bài tập 1: Nhịn ăn
Con người sợ đói, sợ nghèo theo như bản năng. Ngoài ra, khi đói con người ta cũng hay nóng nảy, hành động thiếu suy nghĩ.
Việc quyết định là hôm nay sẽ ăn ít đi sẽ giúp chúng ta học cách kiểm soát những bản năng đó. Không chỉ là ăn ít đi, bạn có thể từ bỏ một món gì bạn thích trong vòng 1 tháng, 2 tháng. Trong thời gian này, bạn sẽ được cách sống mà không cần món ăn đó.
Chẳng may có một biến cố gì đó mà bạn hết tiền, không thể ăn uống như xưa thì bạn cũng không sợ. Hiển nhiên là không ai muốn điều đó nhưng có chuẩn bị thì vẫn tốt hơn.
Điều thú vị hơn nữa là kể cả biến cố không xảy ra với bạn thì vẫn hưởng được lợi ích từ bài tập này. Bạn sẽ cảm nhận độ ngon của thức ăn tốt hơn, trân trọng hơn những gì mình đang có, cũng như bạn cũng "đếch" sợ việc phải đói vài ngày.
Bài tập 2: Ngủ lều
Chúng ta quen ngủ điều hòa, nệm êm, chăn ấm nên khi khổ hơn tí là than trời, than đất. Mặc dù thứ khổ đó là ngủ trên chiếc giường cao ráo, quạt bật bên cạnh.
Đi cắm trại, ngủ trong một chiếc lều đơn sơ được đặt trên nền đất sẽ giúp bạn thích nghi với mọi hoàn cảnh. Khi về với chiếc giường, bạn sẽ thốt lên "Cám ơn ông trời!".
Ngày trước, mình hay để ý đến chuyện là nằm nệm hay nằm chiếu, gối cao hay gối thấp, chỗ ngủ có quen hay không nhưng bây giờ mình ngủ đâu cũng tốt. Đây là thành quả sau hơn 2o chuyến leo núi cắm trại. Phụ huynh hay bảo hình thức này là "ngủ bờ ngủ bụi".
Bài tập 3: Diễn tập cảm xúc
Bạn có cảm thấy mình còn yếu đuối không?
Yếu chỗ nào thì diễn tập cho đó. Mình cũng phải luyện tập tất cả, dù cho là bị động hay chủ động. Chủ động vẫn hơn.
Từ quan sát, mình thấy hầu hết mọi người thiếu kinh nghiệm với những cảm xúc tiêu cực. Rồi một ngày nào đó, sự mất mát, thất bại ập đến, bạn sẽ hoàn toàn sụp đổ.
Có nhiều cảm xúc tiêu cực mà chúng ta có thể diễn tập nhưng mình chỉ chia sẻ duy nhất một cảm xúc trong bài này. Cảm xúc đó là thất vọng.
Thất vọng là cảm xúc khi làm điều gì đó nhưng như ý, không thành công hoặc ai đó không như mình mong đợi. Mình tập cách xử lý thất vọng qua "micro fails", dịch ra là những thất bại siêu nhỏ.
Nói đơn giản là mình chủ động đưa bản thân vào tình huống mà mình sẽ cảm thấy thất vọng. Hồi trẻ hơn, mình tham gia nhiều cuộc thi để nhận lại nhiều thất bại, có những cuộc thi mình năm 80% phần thua nhưng mình vẫn tham gia.
Khi lớn hơn, mình chơi những môn thể thao trí tuệ để hiểu cảm giác thua như thế nào. Sau mỗi ván cờ thua, mỗi ván bài thua (bài thể thao, không ăn tiền) thì mình trở nên cứng cỏi hơn.
"Hardcore" hơn là mình làm những dự án kinh doanh nhỏ, mặc dù biết khả năng thành công thấp nhưng vẫn làm. Thà thua kèo nhỏ để thắng kèo lớn, hơn là cả đời thảnh thơi sau đó thua một vố lớn.
Làm, làm nữa, làm mãi
Stoic mindset - tư duy khắc kỷ - không phải thứ gì đó tồn tại mãi mãi. Bạn đừng chỉ xem những bài tập bên trên là trải nghiệm 1 lần trong đời. Xem nó là bài tập như bài tập thể dục mỗi sáng vậy đó.
Một lần không thể giúp bạn bản lĩnh, mà là 2 lần, 3 lần đến n lần. N là bao nhiêu tùy thuộc vào xuất phát điểm và độ nghiêm túc của bạn khi luyện tập.
Theo như lời của một cao nhân:
Sinh ra là "con nhà giàu dẫm gai mùng tơi" không phải lỗi của bạn, lớn lên là "con nhà giàu dẫm gai mùng tơi" hoàn toàn là lỗi của bạn.