Bạn có tin rằng mọi thứ đã được định sẵn ngay từ những năm bạn 18 tuổi, từ công việc bạn làm, bạn mà bạn chơi và người bạn sẽ cưới? Học ở đại học Ngoại Thương giúp mình thấy được ma lực của một con đường định sẵn được gọi vui là con đường "dát vàng".
Ở bài viết này, mình chưa xét đến tính đúng sai hay độ phù hợp mà chỉ muốn chỉ ra một hiện tượng (patterns) lặp đi lặp lại.
Con đường "dát vàng" là gì?
Chúng tôi tự hiểu với nhau rằng hễ thuộc những cá nhân suất sắc, năng động và thành tích cao, thì một là tham gia những chương trình "em ty" của tập đoàn nước ngoài, hoặc đi buôn ba khởi nghiệp từ sớm.
Con đường này dát vàng ở chỗ là nó được trải bằng "tiền" để thu hút tất cả mọi sinh viên, kể cả nhóm cá nhân xuất sắc đến nhóm những bạn hoạt động bình bình. Có vô số cuộc thi tổ chức ra cuối cùng mục đích cũng là để tuyển ứng viên.
Khởi nghiệp không hẳn là con đường được vẽ bằng vàng, nhưng nó cũng là con đường hứa hẹn một tương lai triệu đô la Mỹ. Nó nghe "fancy" vì khi mới bắt đầu, ai cũng nghĩ rằng mình sẽ trở thành triệu phú. Nghe quá danh giá luôn ấy chứ.
Thường thì đa số định nghĩa con đường dát vàng chỉ là con đường được đề cập đầu tiên thôi, nhưng mình muốn mở rộng định nghĩa của nó một chút.
Mình thì mình không có ác cảm gì với cả hai con đường này. Chỉ là mình đặt câu hỏi rằng: "Cuộc đời có bao nhiêu cách để đi, bao nhiêu nghề để làm, tại sao cuối cùng chỉ quy về 2 con đường này?".
Nói về Ngoại Thương nhiều thì cũng tội trường, thực ra trường mình cũng chỉ là một ví dụ trong hàng loạt ví dụ.
Khi ngoại lực lớn hơn nội lực
Sẽ là tốt, hoặc nói đúng là rất tốt, khi bạn có lẽ sống là làm cho tập đoàn lớn hoặc khởi nghiệp để tự tạo sự thay đổi cho xã hội. Người chơi như vậy mình gọi là người chơi tỉnh táo, vẫn đang làm chủ cuộc chơi.
Không nhiều người như vậy. Có người sinh ra để đi con đường khác, hoặc bản thân không phù hợp với cả hai mà vẫn đâm đầu đi theo thì thật nguy hiểm.
Vấn đề đầu tiên là bạn sẽ không thể nào cạnh tranh được với những người thực sự phù hợp. Cuộc thi thì sẽ có kẻ thắng, người thua. Nếu xác định 50/50 thì bạn có thể chơi cho biết. Còn khi xác định mình nắm phần thua, thì nên tìm con đường khác cho mình.
Không phải là bạn không giỏi khi không cạnh tranh được, mà do đó không phải là cuộc chơi mà bạn nên tham gia. Có những cuộc chơi khác ngoài kia xứng đáng hơn để bạn thử. Thậm chí, do bạn giỏi quá, khôn quá nên họ gạt bạn ra.
Vấn đề thứ hai xảy đến với những bạn có đủ năng lực để cạnh tranh. Bạn thi, bạn đậu, bạn apply, người ta nhận nhưng đó không phải sự lựa chọn tốt của bạn. Vô hình trung, bạn đã bỏ một công việc thế mạnh, có ý nghĩa hơn để đổi lấy sự an vị, nhàm chán.
Hoặc, bạn bỏ một nghề nghiệp rõ ràng chạy giấc mơ startup triệu đô, kỳ lân mà cũng không biết nó có thật không hay chỉ có trong mơ. Thái cực nào thì cũng là một sự cực đoan.
Có con đường...bình dân hơn
Một sự thật là chẳng mấy sinh viên trường mình có nổi một cái nghề khi ra trường. Mặc dù ước mơ là mở cái này, mở cái kia nhưng chuyên môn lĩnh vực thì hoàn toàn zero.
Thứ mấy bạn biết chỉ là những kỹ năng chung chung, những tư duy giải đề cho sẵn trên giấy. Nói các bạn cũng là nói mình ngày xưa thôi. Tự viết mà cũng là tự thấm.
Chẳng hạn một ngày nào đó bạn một số vốn, muốn nghỉ công ty để làm riêng. Bạn sẽ làm gì? Làm gì không có nghề? Làm thuê là nghề khi bạn còn làm thuê, startup là nghề khi bạn còn vốn để startup. Hết làm thuê, hết vốn startup là hết nghề.
Hãy nhìn đâu đó xung quanh cuộc sống, có bao nhiêu lĩnh vực, nghề nghiệp để bạn chọn? Nào là lĩnh vực F&B, thời trang, giáo dục trẻ nhỏ, giáo dục, tâm lý, sản xuất nội dung, truyền thông, giải trí. Mình kể chắc không hết nghề, nhưng chắc là bạn hiểu thứ gì gọi là nghề, thứ gì là không nghề.
Mình thấy con đường lành nghề, thu nhập cao, sau đó kinh doanh là con đường đơn giản, dần dần nhưng hiệu quả. Bằng một cách nào đó, chắc bạn hiểu ý mình, chúng ta chỉ nhìn thấy con đường dát vàng "fancy" mà thôi.
Ở Ngoại Thương, mặc dù là trường về kinh tế, nhưng tồn tại rất nhiều những bạn có tố chất tốt làm giáo viên, đầu bếp, người mẫu, ca sĩ, blogger, huấn luyện viên, tour guide, nhà tâm lý và thậm chí là kỹ sư.
Kinh doanh có thể là phương tiện tốt nhưng cũng không thể nào thay thế nghề chuyên môn. Nói thiệt là tiếc ghê. Giá như có thêm những bạn ở trường mình đóng góp cho những lĩnh vực như vậy thì tốt quá. Ai rồi cũng "em ty", đi làm startup kỳ lân thì ai sẽ là người làm nghề?
Đọc xong bài này, bạn đừng nghỉ việc rồi đi học nghề. Bài viết này đâu đó cho bạn một góc nhìn định hướng để thiết kế lại kế hoạch bản thân. Còn dù cho muốn thay đổi thì bạn cũng cần một quá trình.